Viện phương đông

3 năm trước

Tiểu thuyết "Quái nhân" , Nxb Hội Nhà văn - Hữu Đạt

(2) Thời mở cửa, mọi thứ đều bung ra... Không chỉ có ăn mặc bát nháo mà tất thẩy đều bát nháo: đi lại bát nháo, nói năng bát nháo. Sự bát nháo bắt đầu từ ngoài đường phố rồi lan vào trong các cơ quan nhà nước. Chưa lúc nào mọi sự bát nháo lại được cổ súy và lây lan nhanh đến như vậy...

Điều làm cho Đốp vui mừng khôn xiết là nhờ có cuốn sách ấy mà ngay đợt xét phong lần 2, Đốp đã nhận được chức danh Phó giáo sư. Bấy giờ anh mới hiểu hết cái tài kinh bang tế thế của sư phụ. Quả như thiên hạ vẫn nói, giáo sư Trọng có tài phù phép để biến tất cả những đệ tử ruột của ông thành các nhà nghiên cứu đại tài. Chỉ có điều, sau hai khóa ông làm Chủ tịch, thì mâu thuẫn trong khoa lại nổi lên thảm hại. Cán bộ lớn tuổi của hai ngành chủ chốt gần như không thích nhìn mặt nhau. Không khí cuộc họp trong khoa năm nào cũng vô cùng căng thẳng.

Powered by Froala Editor

                             (2)  

Ngô Lý Bá là người thẳng thắn và nóng tính. Anh được bầu làm chủ nhiệm khoa khi vị chủ nhiệm cũ đã hết tuổi quản lý. Anh mới ngồi vào cái ghế chủ nhiệm được một năm thì bao nhiêu sóng gió ập đến. 

Bên ngoài, anh vẫn cười nói, vẫn tếu táo như chẳng chú ý đến chuyện gì sắp xảy ra. Nhưng khi có ai hỏi đến việc tách khoa thế nào thì anh chỉ cau trán lảu nhảu:

- Toàn là chuyện vớ vẩn.

Thành thực mà nói, Lý Bá rất bực mình mỗi khi có ai đó gợi ra câu chuyện chia khoa. Một cái khoa có bề dày lịch sử với bao nhiêu công lao của các thế hệ đã xây dựng như thế,, lẽ nào chỉ vì một vài lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm có thể đang tâm phá nó ra? Phá nó ra rồi, mỗi ngành sẽ phát triển ra sao? Sẽ đào tạo thế nào?

Chưa lúc nào Lý Bá cảm thấy buồn như lúc này. Bao nhiêu năm chiến chinh, anh từng ra vào trong sống chết, từng đau đớn khi chứng kiến đồng đội hy sinh. Anh phải trải qua nhiều nỗi đau mất mát, nhưng rồi ngọn lửa cuộc chiến cuốn anh đi, không kịp cho anh có thời gian để nghiền ngẫm về nó. Lần này, trong cơn sốt tách khoa, tâm trạng Lý Bá lúc nào cũng bức bối. Dù thế nào, với cương vị chủ nhiệm, anh cũng phải có ý kiến. Ý kiến của anh sẽ có ý nghĩa quyết định để nhà trường đi đến giải pháp cuối cùng.

Có rất nhiều đêm Lý Bá không ngủ được. Hễ anh nhắm mắt lại là hàng chục khuôn mặt quen thuộc lại xuất hiện với đủ đường nét: kẻ cau có, người hân hoan, kẻ chờ đợi…Nhưng có lẽ hai khuôn mặt căng thẳng nhất là khuôn mặt của Bùi An Duy và Trần Văn Đốp. Bùi An Duy là Phó giáo sư nghiên cứu về cổ học. Ông đã từng là một trong các lãnh đạo khoa vào thập niên 80. Năm nay đã ngoài sáu mươi, nhưng ông vẫn còn khỏe, đi dạy đều và thường xuyên góp mặt trên diễn đàn văn chương. Ông có một tình yêu khoa tha thiết, đến nỗi mỗi khi có ai nhắc tới chuyện tách khoa là ông sẵn sàng nổi xung. Trần Văn Đốp ở tuổi năm mươi, chưa khẳng định được gì trong chuyên môn ngoài cái luận án phó tiến sĩ, nhưng lại là người hăng hái số một trong chuyện tách khoa. Hai khuôn mặt ấy luôn ám ảnh Lý Bá khiến anh nhiều lúc phải mất ăn mất ngủ. Hơn lúc nào hết, anh là nhân vật số một của bước ngoặt quan trọng này. Giữa lúc mọi thứ dường như sắp đảo lộn lên, lòng cán bộ càng thêm ly tán. Ô hay, phát triển…phát triển…sao phát triển lại cứ phải phá bỏ cái khoa truyền thống này mới xong? Sao người ta không nghĩ ra cái việc thành lập thêm một cái trung tâm nghiên cứu nào đó để mấy ông hám chức kia ngồi vào cho yên chuyện? Nhưng trung tâm nghiên cứu thì mọc ra như nấm, nó có ý nghĩa quái gì đâu. Cái mà Trần Văn Đốp tham vọng là muốn đứng đầu một khoa có tính chuyên ngành. Mà cứ để khoa chung thì Đốp không bao giờ có cơ hội. Trong cái khoa ấy, người của ngành bạn chiếm ba phần tư. Họ ghét Đốp thậm tệ. Có người bên ấy quá đáng còn gọi Đốp là “chó săn” của giáo sư  Lý Quang Trọng. Chắc chắn, nếu không tách khoa thì Đốp khó mà ngóc đầu lên được.

Lần trước, khi gặp Ngô Lý Bá ở văn phòng, Trần Văn Đốp đã gợi ý để Lý Bá chủ động có ý kiến về vấn đề tách khoa, nhưng Lý Bá gạt đi. Hôm đó, trước vẻ mặt cau có của Ngô Lý Bá, Trần Văn Đốp biết ý đành nói sang chuyện khác. Anh nói, cứ như là Lý Bá chưa biết gì về chuyện của anh, rằng anh rất yêu khoa nên mới làm chủ nhiệm khoa T được một khóa anh đã phải tìm cách để về được khoa cũ. Trong lúc hào hứng, Đốp nói khoa T hoàn toàn không phải là một khoa của khoa học, nó chỉ giống như một anh vỡ lòng của đại học nên là một nhà khoa học như Đốp thì không có gì tốt hơn là về công tác ở khoa  cũ của mình.

Lý Bá nghĩ là, có lẽ Đốp nói về chuyện tách khoa chỉ như là một câu chuyện làm quà thôi. Vì mấy tuần sau đó anh không thấy Đốp nhắc đến việc đó nữa. Có lẽ, chính Đốp cũng nhận ra rằng việc tách khoa quả là chuyện quá vô lý. Vì ai cũng biết, hầu như trên thế giới chưa có nơi nào người ta lại làm như vậy.

Sau một tuần đến nơi ở mới, hôm nay Lý Bá mới bình tĩnh để suy xét lại tất cả mọi việc. Tính Lý Bá vốn như thế. Anh hay nghiền ngẫm, cân lên nhắc xuống mọi vấn đề. Đây là một bước ngoặt lớn đòi hỏi anh là người đứng mũi chịu sào phải có thái độ.

 Đứng trên ban công, Lý Bá lơ đãng nhìn xuống đường phố. Buổi chiều, nắng rơi rớt thả xuống những vệt sáng lên con đường hẹp và đông đúc người qua lại. Đã sang tháng mười, vậy mà những trận bão liên miên vẫn liên tục đổ về khiến cho Hà Nội sì sụt suốt cả mấy tuần liền. Tới hôm nay mới thấy nắng hanh hao ló khỏi đám mây. Khu Kim Giang mới năm nào còn thưa thớt người ở nay đã là một nơi hội tụ của dân tứ chiếng đổ về. Khắp các lối phố, chỗ nào cũng bày bán tạp hóa, hàng ăn, cửa hiệu chữa xe máy, cửa hiệu hớt tóc, mát xoa…Thời mở cửa, mọi thứ đều bung ra. Quần áo dường như cũng chật chội nên phải vứt bớt. Các chàng trai thì đua nhau cởi trần vào mùa hè. Các cô gái thì đua nhau mặc áo hở cổ, hở lưng, hở ngực. Nhiều mốt quần zin mới còn hạ cạp quần xuống thấp tới mức, có cô ngồi xổm ăn bún ốc còn hở tới nửa mông. Không chỉ có ăn mặc bát nháo mà tất thẩy đều bát nháo: đi lại bát nháo, nói năng bát nháo. Sự bát nháo bắt đầu từ ngoài đường phố rồi lan vào trong các cơ quan nhà nước. Chưa lúc nào mọi sự bát nháo lại được cổ súy và lây lan nhanh đến như vậy.

Vừa nghĩ đến việc “khoa cũ khoa mới”, tự nhiên lòng Lý Bá thấy nặng trĩu. Anh chợt nghĩ, hay là ra quán cà phê ngồi một lúc cho đỡ buồn thì chợt phía ngoài cổng có một cánh tay huơ lên và có tiếng gọi to:

- Ông Bá ơi, ông Bá ơi. Tôi đây. Đốp đây.

Lý Bá hơi ngỡ ngàng. Làm sao mà Trần Văn Đốp lại biết được chỗ ở của anh nhỉ? 

Lý Bá hơi nheo mắt và gật đầu.Có lẽ ở trên đời rất ít người có cách phát âm như Đốp. Luồng hơi từ khí quản đi ra đang tự do bỗng bị chẹn lại đột ngột. Thành ra âm nào cũng bị cắt ngắn đi. Dường như, người nói cố ý tạo ra phong cách riêng của mình.

Lý Bá xuống mở cổng và mời Đốp vào nhà. Đốp lấy giọng thật buồn nói với Lý Bá:

- Tôi nghe tin ông  chuyển nhà, mừng quá. Hỏi mãi mới biết được chỗ ở mới của ông.

Lý Bá bình thản:

- Cảm ơn thầy đã quan tâm. 

Giọng Lý Bá lè rè lại hơi lên cao ngữ điệu ở cuối khiến cho Đốp cảnh tỉnh. Đốp nhẹ nhàng:

- Tôi đến thăm, chia vui với ông.

Đốp pha nước rồi rót hai chiếc chén, trịnh trọng mời Đốp:

- Mời thầy uống nước.

Rồi với cái giọng hơi hài hước, Lý Bá hỏi bằng chất giọng đặc chất miền trong:

- Tôi chẳng có gì vui. Mà có vui cũng không thể chia cho thầy được.

Đốp gật gù:

- Ông lúc nào cũng vẫn tếu táo. Lớn tuổi rồi mà giữ được cốt cách như vậy là bản lĩnh lắm, quí lắm.

- Ha ha ha…

Đốp bỗng cười phá ra một tràng dài khiến cho Đốp rất ngỡ ngàng.Lý Bá cười xong, chóp mũi vẫn còn đỏ, hai bên má hiện lên những cái dấu ngoặc. Đốp bỗng  nhún vai, hạ giọng:

- Đến chia vui với ông. Tiện thể cũng muốn hỏi ý ông về cái việc tách khoa, ông quan niệm thế nào.

Đốp nhìn sâu vào mắt Lý Bá thăm dò. Anh chợt nhận ra trong ánh mắt của Lý Bá có cái gì đó thật khó hiểu. Lý Bá không trả lời vào câu Đốp hỏi mà hỏi lại:

- Có phải thầy có ý định làm chủ nhiệm khoa mới không?

Đốp bị bất ngờ về câu hỏi của Lý Bá, liền xuê xoa:

- Đâu có. Việc để yên hay chia tách đã ngã ngũ đâu vào đâu đâu. Vả lại, khi tách ra rồi thì ai làm chủ nhiệm còn phải qua bầu bán, đâu muốn là được.

Lý Bá tủm tỉm:

- Bây giờ sang thời đại mới rồi, không phải là bầu bán nữa mà là bầu mua. Bầu… muốn thắng phải mua phiếu thầy ạ.

Đốp hơi chau mày. Lý bá  gặng thêm câu nữa:

- Thầy không có ý định làm chủ nhiệm à?

Trước một con người khó biết được đâu là thật, đâu là đùa, Đốp khôn khéo đáp:

- Hiện tại tôi chẳng có ý định gì.

Lý Bá hỏi tiếp:

- Vậy nếu tách khoa thì ngành bên đó dự kiến ai làm chủ nhiệm khoa nhỉ? 

Đốp đảo mắt thăm dò rồi nói:

- Bên bộ môn chúng tôi chưa bàn đến chuyện này, nhưng tôi nghĩ, có thể để chú Nguyễn Thiện Dũ làm chủ nhiệm vì hiện tại chú ấy đang làm phó chủ nhiệm của khoa chung.

Lý Bá lại cười vang:

- Khoa đã tách đâu mà đã gọi là khoa chung, khoa riêng? Chuyện này cũng còn phải thảo luận cho kỹ đã thầy ạ.

Đốp gật gù:

- Đúng là phải cần thảo luận, nhưng tiếng nói của ông là có tính quyết định. Ông có ủng hộ hay không là quan trọng lắm.

Lý Bá gạt đi:

- Khoa ta có đến gần sáu chục cán bộ. Ý kiến của tôi chỉ là một trên sáu mươi thôi, thầy à.

 

Sau lần tới vận động Lý Bá không thành công, Trần Văn Đốp bắt đầu thấy chán nản. Anh đã định bỏ cuộc, nhưng hôm đó anh nhận được cú điện thoại của sư phụ từ Ba Lan gọi về hỏi thăm tình hình, anh lại được lên giây cót tinh thần. Câu nói của sư phụ làm anh suốt đời không bao giờ quên “Đây chính là một cuộc cách mạng thực sự. Ngành có bứt lên được hay không chính là ở sự đột phá. Nếu không tách ra được lúc này thì vĩnh viễn không bao giờ giấc mơ đó trở thành hiện thực nữa”.

Suốt cả đêm, Đốp không ngủ. Anh cứ nghiền ngẫm câu nói ấy như một lời phán trong Thánh kinh. Chả lẽ câu chuyện giữa Đốp và Lý Bá như vậy là chấm dứt tất cả? Không! Dù thế nào Đốp cũng phải cố gắng. Đây là thời cơ ngàn vàng để Đốp thực hiện giấc mơ của mình. Đó cũng chính là giấc mơ của sư phụ. Nhưng làm thế nào để lay chuyển được quan niệm của Lý Bá? Phải đánh vào lòng tự trọng nghề nghiệp của anh ta. Đúng rồi, lúc này mà phân tích vấn đề theo nhận thức khoa học thì không có nghiã lý gì cả. Bởi vì rõ ràng, trước một cái khoa vốn sang trọng như thế, bây giờ hô hào tách nó ra, ai chẳng thấy là nó chả dựa trên cơ sở nào cả. Nó thực chất chỉ là ý thích của mấy ông trong một chuyên ngành. Mà cái ý thích này thì điểm xuất phát chính lại bắt đầu từ những mâu thuẫn nội bộ của các phe phái từ mấy chục năm trước. Nguồn gốc sâu xa của nó là cuộc đấu tranh quan điểm thời kỳ hậu Phong trào nhân văn giai phẩm với hai thái cực “hồng” và “chuyên”. Đây là thời kỳ đen tối của tình đoàn kết huynh đệ, giáo sư Lý Quang Trọng bị phê phán quyết liệt và gần như bị cô lập hoàn toàn tại vùng núi sơ tán.  Cuộc đấu đá trong khoa làm xuất hiện một số tên tuổi của các nhóm đối lập mà thủ lĩnh của họ trở thành các mãnh tướng khiến trong trường truyền tụng câu châm ngôn “ bên này có tứ trụ triều đình”, “bên kia có ngũ quỷ”. Tiếp theo đó là giai đoạn trỗi dậy của một vài tên tuổi trong thời kỳ xét phong học hàm. Một vài người thất thế năm xưa, sau khi nước nhà Thống nhất lại có cơ may trở lại nắm quyền chính thống trong khoa học. Họ ngồi vào các Hội đồng với cương vị Chủ tịch, quyền sinh quyền sát trong tay. Thế là cùng với niềm vui của những kẻ được sắc phong chức danh là nỗi oán thán vô tận của những người bị loại khỏi danh sách. Một trong các nhà nghiên cứu lý luận và phê bình khá nổi tiếng của văn đàn hiện đại là Hà Vinh Đạo, người mãi sau này mới được phong giao sư, phải thốt lên: “ Dù có sang bên kia thế giới, tôi cũng bao giờ quên được nỗi hận với giáo sư Lý Quang Trọng”.

Có lẽ Đốp là người hiểu rõ hơn ai hết những vết thương rỉ máu trong lòng của thế hệ những người đi trước. Mặc dù, trong các cuộc họp khoa, Đốp luôn khôn khéo không động chạm gì đến các nhà giáo phía bên kia chiến tuyến của giáo sư Thận, nhưng trong con mắt của nhiều người thì Đốp vẫn bị nhìn nhận là một tay sai đắc lực của ông. Thỉnh thoảng, trong các kỳ lễ hội, giáo sư Hà Vinh Đạo lại buông một câu tưng tửng “ Này, sao học trò yêu của ông Thận, bảo vệ phó tiến sĩ hàng chục năm trời mà vẫn không viết được bài báo nào nhỉ?” Câu hỏi làm mọi người sực nhớ ra, đúng là Đốp đến nay vẫn chưa có một bài báo nào. Chờ cho mọi người “suy nghĩ và nhớ lại”, giáo sư Đạo mới hinh hích cười và nói: “ Phó tiến sĩ cũng như là phun thuốc sâu thôi”. Từ sau nhận xét ấy, trong xã hội mới truyền tụng nhau một giai thoại. Người ta kể rằng, trong một cuộc họp đạị hội nông dân của các xã giáp vùng núi ở một huyện nọ, khi Trưởng ban tổ chức đang hăng hái phát biểu thì có một cán bộ từ Trung ương xuống cơ sở đến gặp. Theo giấy giới thiệu, anh ta là PTS Nguyễn Văn Lung. Vì không quen cách đọc chữ viết tắt, nên ông Trưởng ban tổ chức mới tuyên bố rằng “ Hôm nay đại hội chúng ta rất hân hạnh được đón tiếp đồng chí chuyên gia “Phun thuốc sâu” từ Trung ương xuống tăng cường cho cơ sở. Thế là cả Hội trường vỗ tay náo nhiệt, còn anh cán bộ kia thì ngẩn ra như trời trồng.

Câu chuyện đó chỉ là một thứ Folklor hiện đại, nhưng mỗi lần nghe ai đó trong khoa tiếu ngạo là Đốp cảm thấy chạnh lòng. Làm một anh PTS, đã đứng trên bục giảng đại học gần hai chục năm trời mà anh chưa có một bài trên tạp chí, chưa nói là không có một công trình nào được in thành sách thì quả là quá kém cỏi. Cái danh hiệu PTS của anh thực chất cũng chẳng có giá gì hơn anh “Phun thuốc sâu”. Có lẽ biết được nỗi khổ tâm của Đốp nên một lần Đốp đến thăm giáo sư Trọng vào ngày 20/11, ông gợi ý:

- Ông làm gì thì làm nhưng cũng phải đánh một tiếng trống trình làng.Nếu không, bên ngành bạn họ cũng dè bỉu, phức tạp lắm.

Khi đó Đốp gãi tai, lúng túng:

- Em cũng biết thế, nhưng nghĩ mãi chưa ra được hướng nào để viết.

Giáo sư Trọng trầm ngâm, rồi phân tích:

- Trước thì còn đổ cho chiến tranh, sơ tán. Giờ hòa bình đã chục năm rồi. Cũng phải có một cái gì đấy xuất hiện trên tạp chí chuyên ngành để cho người ta khỏi coi thường.

Đốp đáp lí nhí:

- Vâng, em sẽ cố gắng suy nghĩ.

Có lẽ không ai hiểu học trò bằng ông thầy của mình. Giáo sư Trọng nhìn Đốp khắp từ đầu đến chân, rồi phán:

- Kể như khả năng làm việc của ông, bắt viết một bài cho tạp chí lúc này thì khác gì tìm kim trong bóng tối. Tốt nhất, lúc nào rảnh, ông đem cái luận án PTS lại đây, tôi sẽ chỉ cho cách làm để biến nó thành một cuốn sách.

Đốp mở mắt thao láo, tâm trạng lâng lâng như trong mơ. Giao sư Trọng lại tiếp:

- Cũng phải lo lấy cái chuyên môn chứ cứ chạy theo chức tước suông thì khác nào cái anh đi cà kheo. Cao lênh đênh đấy mà ngã lúc nào đấy.

Đốp thành thật:

- Em cũng muốn lắm,  nhưng chưa làm được. Tất cả bây giờ đều nhờ ở nơi thầy.

Giáo sư Trọng nhìn xa xôi:

- Tôi không giúp ông thì giúp ai? Tôi nói riêng với ông, chẳng bao lâu nữa, Nhà nước sẽ chính thức hóa việc phong chức danh. Ông không chuẩn bị ngay thì không kịp. Dù thế nào, ông cũng phải kiếm lấy cái Phó giáo sư. Rồi sau này, cả cái giáo sư nữa.

Sau cuộc gặp gỡ lần ấy, giáo sư Trọng đã giúp Đốp chỉnh sửa lại luận án, rồi gọi điện cho mấy học trò cũ làm ở Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp nhờ giúp đỡ. Cuối cùng cuốn sách cũng ra đời.

Điều làm cho Đốp vui mừng khôn xiết là nhờ có cuốn sách ấy mà ngay đợt xét phong lần 2, Đốp đã nhận được chức danh Phó giáo sư. Bấy giờ anh mới hiểu hết cái tài kinh bang tế thế của sư phụ. Quả như thiên hạ vẫn nói, giáo sư Trọng có tài phù phép để biến tất cả những đệ tử ruột của ông thành các nhà nghiên cứu đại tài. Chỉ có điều, sau hai khóa ông làm Chủ tịch, thì mâu thuẫn trong khoa lại nổi lên thảm hại. Cán bộ lớn tuổi của hai ngành chủ chốt gần như không thích nhìn mặt nhau. Không khí cuộc họp trong khoa năm nào cũng vô cùng căng thẳng.

Nói cho đúng, ban đầu được nhận cái chức danh Phó giáo sư, tuy có sung sướng nhưng Đốp không khỏi ngần ngại. Vì rằng, nhìn sang các cán bộ ngành bên, có nhiều người còn xứng đáng hơn Đốp nhiều nhưng họ lại không được phong phanh gì cả. Tuy không nói ra, nhưng Đốp ngầm hiểu rằng, một cuộc chiến thực sự đã diễn ra giữa giáo sư Trọng và nhóm cán bộ của Ngành Văn chương. Nó làm cho biết bao nhiêu cán bộ phải thiệt thòi. Cô Lê Hồng Nhung, người dạy văn học phương Tây hay nổi tiếng, lại có khá nhiều bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành, hai lần đưa lên danh sách đều bị đánh trượt. Cô rất giỏi tiếng Pháp, từng là cô giáo dạy Đốp từ những năm sơ tán ở Thái Nguyên. So với  Đốp, cô hơn hẳn mấy cái đầu. Ấy vậy mà…

Từ các sự kiện của việc phong chức danh, Đốp nhận ra rằng, sống ở đời, năng lực không phải là cái quyết định. Quan trọng nhất là quan hệ. Nếu Đốp không có quan hệ đặc biệt với giáo sư Trọng thì anh làm sao có được vận may đến thế ? Sau hai mươi năm, cuối cùng anh cũng ra được một cuốn sách. Dẫu cuốn sách đó là cái luận án viết lại thì nó vẫn là một bằng chứng cho phép anh tồn tại ở khoa Văn Chương, một cái khoa được coi là có truyền thống lâu đời vào bậc nhất của trường Đại học Tây Thành Đô này. Muốn nói gì thì nói, làm cán bộ giảng dạy của một trường đại học mà không có sách thì sẽ bị người đời coi thường. Giáo sư Trọng đã nâng đỡ anh, kéo anh từ một kẻ vô danh tiểu tốt lên hàng Phó giáo sư. Đây là cơ hội để anh vươn lên nắm lấy vai trò thủ lĩnh của một ngành học. Nhưng nếu cứ sinh hoạt trong khoa Văn Chương thì coi như giấc mơ ấy vĩnh viễn không bao giờ thành hiện thực. Phải chớp lấy cơ hội. Dù thế nào cũng phải vượt qua chặng đường khó khăn này.

Suốt hàng tháng trời vận động ngoài hành lang cho đến nay Đốp mới chỉ nhận thấy le lói vài tia hy vọng. Nó như ngọn lửa nhỏ thoi thóp trong ánh sáng mịt mờ của mùa đông. Làm thế nào để thổi bùng ngọn lửa đó lên? Giá như lúc này giáo sư Trọng chưa về hưu thì hay biết mấy. Ông sẽ ở phía sau xếp đặt mọi chuyện giống như ông đã xếp đặt mọi việc ở các Hội đồng. Đốp chỉ việc thực hiện mọi việc giống như ông Thiên Lôi. Nhưng giáo sư Trọng về hưu mất rồi. Nhất nhất mọi việc đều đến tay Đốp. Hơn lúc nào hết, trong lúc này, Đốp vừa là đạo diễn lại vừa là diễn viên. Anh vừa phải sắp đặt mọi thứ trong hậu trường, lại vừa múa may trên sân khấu. Khi dấn thân vào cuộc đua tranh, Đốp mới nhận ra rằng, về chuyên môn, anh không có gì sắc sảo, nhưng về tổ chức có lẽ anh không kém gì lắm so với sư phụ mình.Chỉ có điều, sư phụ thì có rất nhiều đệ tử, còn Đốp thì đến nay vẫn chưa tạo được một ê kíp thực sự đi vào guồng của mình. Nhưng điều này Đốp không lo. Anh sẽ có cách. Vấn đề trước mắt là phải vận động bằng được để tách cái khoa Văn Chương ra. Những phương sách mà sư phụ gợi ý cho Đốp,anh đã áp dụng hết rồi. Nhưng chưa có kết quả. Chỉ còn duy nhất một biện pháp là kích động lòng tự ái của ngành bạn. Như thế may ra mới có thể hy vọng.

Cân nhắc đi cân nhắc lại, cuối cùng Đốp quyết định lại gặp Lý Bá lần nữa. Lần này, Đốp đến nhà Lý Bá vào sáng chủ nhật. Anh xuất phát lúc hơn 8 giờ mà mãi tới gần 9 rưỡi mới tới nơi. Con đường từ đại lộ Nguyễn Trãi ra phía bờ sông  Tô Lịch hôm nay gần như tắc nghẽn lại vì dòng người đông đúc chen lẫn đủ mọi thứ xe cộ. Xích lô. Xe máy. Xe đạp. Ô tô. Cần cẩu…mạnh ai nấy đi. Con đường dọc bờ sông vốn chật hẹp lại oằn mình hứng chịu những khối đất lớn được đào bới từ mấy cái mố cầu. Theo kế hoạch của thành phố, người ta đang chuẩn bị làm lại hai ba cây cầu bắc ngang sông và ta luy toàn bộ để kè đá dọc hai bên bờ. Cả một khu ngoại ô đã biến thành công trường xây dựng. Đất cát bụi mù. Trời vừa nắng lên, mùi thối khắm từ lòng sông sực nức lan tỏa, bổ túc cho những lá phổi của khách đi đường món uế khí đặc biệt.

Đốp vừa chạy xe vừa phải lấy tay che miệng. Người Hà Nội ít có thói quen đeo khẩu trang. Chỉ khi nào cần thì họ dung bàn tay khum lại làm cái lá chắn. Đốp đành lái xe máy một tay. Anh cho xe chạy chầm chậm và lẩm bẩm:

- Đường với chả xá, đi trên phố mà cứ như đi vào nhà xia.

Khi Đốp ngoặt xe vào ngõ thì một thanh niên, tóc vàng hoe, lao xe như tên bắn từ phía trong ra, suýt va phải Đốp. Hai chiếc xe sững lại, đấu vào đầu nhau. May mà Đốp phản ứng nhanh nên tránh được. Gã thanh niên chẳng những không xin lỗi Đốp lại còn chửi đổng:

- Mẹ thằng già, đi đứng kiểu gì thế hả? Hai tay còn chưa ăn ai, lại còn một tay õng ẹo.

Đốp vốn là người có kinh nghiệm. Anh không dám quát lại gã thanh niên mà nhũn nhặn:

- Chú xin lỗi. Đường hôm nay bốc mùi ghê quá.

Gã thanh niên trợn mắt:

- Đ mẹ…muốn thơm thì về nhà. Đường Hà Nội chỗ nào mà không thối? Phúc cho ông đấy, hôm nay thằng Hách nó mà đi cùng tôi, cầm lái thì ông toi đời rồi nghe không?

Gã thanh niên nói xong lại rú ga lao đi. Đốp lắc đầu. Anh cho xe chạy thêm một đoạn nữa thì đến chỗ Lý Bá. Bấm chuông xong, chờ vài phút, Đốp thấy Lý Bá mặc bộ quần áo kẻ sọc từ trong nhà đi ra. Vừa mở khóa cổng, Lý Bá vừa cất cái giọng ê a:

- Hôm nay thầy lại đến thăm tôi ư?

Đốp vui vẻ:

- Ngày nghỉ chẳng biết đi đâu, đọc sách mãi cũng chán nên sang chơi với ông cho khuây khỏa.

Lý Bá nhếch mép cười, hai má anh như tóp lại:

- Thầy cũng phải đọc sách à?

Không rõ là câu nói khích hay nói đùa, Đốp nghiêm chỉnh:

- Có chứ, đọc sách là nghề cuả chúng ta mà.

Lý Bá nhìn Đốp rất chăm chú, rồi xuống giọng thật thấp:

- Tôi tưởng Phó tiến sĩ rồi thì không cần phải đọc sách?

Chưa kịp để cho Đốp phản ứng, Lý Bá bỗng cười phá lên rồi bảo:

- Tôi nói thế thầy không giận tôi chứ?

Trong bụng Đốp rất khó chịu, nhưng ngoài mặt Đốp vẫn tươi cười. Mỗi khi cười nom Đốp có vẻ trẻ trung hơn và ít mưu mô hơn. Chỉ có điều, Đốp rất ít khi cười như vậy.

 Lý Bá đưa Đốp vào phòng khách. Anh lấy cái siêu đun nước cao tốc đổ nước cho đầy rồi cắm vào ổ điện. Rồi nói với ra:

- Thầy thông cảm đợi tôi một tý, cái siêu này chỉ mấy phút là sôi ngay.

Đốp gạt ngay:

- Thôi đi ông Bá ơi, khỏi cần. Tôi không uống trà đâu, nước sôi để nguội là được rồi.

Đốp vừa nói vừa  nghển cổ nhìn vào phía trong. Từ chỗ chân cầu thang trở vào là khu bếp. Nó được bài trí khá gọn gang. Phía trên là hệ thống tủ gỗ làm theo kiểu Tây. Phía dưới là chậu rửa bát bằng in ốc, bệ nấu bếp lát đá thạch anh với hệ thống bếp ga chìm. Trên mặt bệ bày la liệt các chai nước mắm, dầu ăn, xà phòng rửa bát. Cách đó mấy bước là bộ bàn ăn, được ngăn cách với phòng khách bên ngoài bằng một cái bệ gỗ cao đến ngang ngực. Nói chung, mặt bằng tòa nhà không rộng, nhưng cách kiến trúc khéo léo làm cho người ta có cảm giác rất hưng phấn mỗi khi ngồi uống trà. Đó là vì, đối diện chỗ bàn uống nước có một bức tranh khá to choán đến hai phần ba diện tích mặt tường. Khi điện bật lên, ánh sáng đèn hòa phối với ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào càng làm cho bức tranh trở nên rực rỡ. Đốp thốt lên:

- Ông kiếm ở đâu được bức tranh đẹp thế?

Lý Bá hạ giọng:

- Thầy tính, tôi thì kiếm ở đâu được. Bức tranh này ông anh rể tôi gửi từ bên kia về.

Đốp phụ họa:

- Đây là bức tranh nổi tiếng của Lê vin tan. Tôi rất tiếc là dạo về nước tôi không đem được nó về. Cái này quí lắm.

Lý Bá cười khùng khục:

- Tôi thì chẳng hiểu gì lắm về hội họa, cũng chỉ nghe người ta nói về Lê vin tan thôi. Tôi không có diễm phúc như thầy, được đến tận nước Nga Xã hội Chủ nghĩa.

Vừa nói, Lý Bá vừa pha trà rồi rót nước ra mời khách. Đốp được khen, ruột như nở ra, hân hoan nói:

- Nước Nga đúng là thiên đường ông ạ. Sau này có dịp thế nào ông cũng phải đi Nga một chuyến.

Lý Bá nhấp một chút trà rồi đủng đỉnh:

- Lạ nhỉ! Một thiên đường… vậy sao người ta lại đứng lên phá nó đi, làm cho nó tan vỡ?

Bị bất ngờ, Đốp lúng túng giây lát rồi lấy lại thế chủ động. Không ngờ tình huống đối thoại lại giúp anh đưa vào cái chủ đề anh đang cần một cách ngọt ngào. Được thể, Đốp nói luôn:

- Xu thế của thời đại mà. Chia tách là con đường tất yếu đối với sự phát triển.

Đốp nói xong nhìn Lý Bá thăm dò. Anh thấy cái chóp mũi của Lý Bá hơi đỏ lên. Sau vầng trán rộng, mái tóc của Lý Bá lưa thưa và bạc gần hết. Có lẽ, trong con người của Lý Bá chỉ có tiếng cười là biểu hiện của sự sung sức, còn lại tất cả dường như đang héo mòn.

Lý Bá im lặng không nói gì. Anh thừa biết câu nói của Đốp có ngụ ý thăm dò đối với anh. Biết trả lời thế nào nhỉ? Hôm qua giáo sư Bùi An Duy vừa nói với anh: “ Chú đừng có nghe mấy thằng động rồ mà phá vỡ cái khoa Văn Chương của bao thế hệ đi nhé. Một cái khoa sang trọng như thế, đừng có điên mà băm nát nó ra”. Hôm nay Trần Văn Đốp lại đến vận động. Mệt mỏi quá.

Thấy Lý Bá im lặng, Trần Văn Đốp liền tấn công:

- Thực ra anh em bên bộ môn chúng tôi cũng băn khoăn một điều, không biết tách ra rồi thì ngành bên ấy có bị khó khăn không? Suốt mấy năm nay, các khoản thu nhập thêm của cán bộ toàn khoa đều trông vào cái Trung tâm dạy tiếng cả.

Đốp nói tới đó, Lý Bá lặng đi. Một nỗi đau tê tái trong lòng khiến môi anh run lật bật. Anh cố kéo dài giọng, hỏi lại Đốp:

- Thầy nói thế hóa ra là, chúng tôi, mấy năm qua chỉ biết ăn bám vào bộ môn của thầy thôi à? 

Trông nét mặt của Lý Bá lúc đó thật tội. Nó vừa đau đớn vừa kiêu bạc, vừa tức tối vừa hài hước. Cũng khó nói là anh đang khóc hay đang cười.

Đốp thì sung sướng đến tột cùng. Nhưng lúc nào anh cũng luôn luôn là con người biết kiềm chế. Anh cố gắng để mọi tình cảm khỏi bộc lộ trên nét mặt, giữ hơi cho mỗi âm tiết phát ra chỉ vừa đủ một lượng nhất định.

- Tôi không có ý như vậy, thầy đừng hiểu lầm tôi. Cái Trung tâm ấy là của toàn khoa chứ có phải của riêng bộ môn nào đâu. Mà tham gia giảng dạy thì, thầy làm chủ nhiệm cũng thừa biết, không phải chỉ có riêng một ngành nào cả.

Lý Bá nghĩ bụng : “ Tôi muốn phẹt vào mặt anh. Chẳng lẽ tôi không hiểu anh nói thế là muốn ám chỉ gì à?”.

                                                              *

 Lúc nửa đêm, bỗng Lý Bá nhận được cú điện thoại từ Hàn Quốc. Người gọi điện cho Lý Bá là Phạm Phú Ty, nguyên chủ nhiệm khoa Văn Chương trước Lý Bá một khóa.

Đang ngái ngủ, giọng Lý Bá lè nhè:

- Thầy có việc gì mà gọi tôi vào lúc nửa đêm thế?

Từ đầu dây bên kia, giọng Phú Ty có vẻ nghiêm trọng:

- Tôi nghe nói, người ta định giải tán khoa Văn Chương có phải không?

Giọng Lý Bá hơi cáu kỉnh:

- Không phải là giải tán mà là tách đôi.

Phú Ty cự nự:

- Tách đôi tức là giải tán còn gì? Sao lại như thế? Ai là người khởi xướng ra chuyện này?

Lý Bá thở dài:

- Ai mà biết được. Cứ như từ trền trời rơi xuống. Trường cũng đánh tiếng là hôm tới sẽ  họp khoa để lấy ý kiến cán bộ.

Phú Ty gay gắt:

- Nhưng ai đề nghị với trường? Phải có người đề nghị chứ?

Lý Bá không giữ nổi bình tĩnh, dằn giọng:

- Thầy định cáu với tôi à? Thầy thích giữ khoa thì về nước giữ đi.

Giọng bên kia quả quyết:

- Tôi sẽ về. Nhất định tôi sẽ về. Nhưng anh đang là chủ nhiệm khoa, anh phải có ý kiến.

Lý Bá buông thõng:

- Thì tôi đã…Nhưng…

- Nhưng “sao?”…anh nói tiếp đi.

- Câu chuyện rất dài.

Đầu dây bên kia, giọng nói lẫn hơi thở vẫn dồn dập:

- Ý kiến của anh em trong khoa ra sao?

Lý Bá nhao người tựa vào đầu giường:

- Anh em thì đa phần không ai muốn, nhưng có một số thì hăng hái phừng phừng. Hăng nhất là ông Trần Văn Đốp.

Giọng nói phía bên kia chì chiết:

-  Ông Đốp là cái gì? Ông ấy muốn một cái ghế mới có phải không? Anh phải có thái độ kiên quyết với ông ấy. Anh thử nghĩ xem, Riêng cái khoa này, hai ngành học gắn với nhau như hai mặt của một tờ giấy. Tách ra là chết anh Lý Bá ạ. Chúng ta sẽ đào tạo kiểu gì? Đầu voi đuôi chuột lắm. Không có ở đâu trên thế giới này người ta làm ăn như vậy.

Lý Bá cười khẩy:

- Thầy khỏi phải lên lớp cho tôi. Tôi có thích điều đó đâu.

 Giọng nói từ đầu dây phía bên kia hạ xuống, vẻ thân tình:

- Khoa Sử có thể tách ra. Khoa Triết có thể tách ra. Nhưng khoa Văn Chương chúng ta thì khác. Nó có đặc trưng riêng. Tách ra là ngu xuẩn. Không bao giờ. Tôi nhắc lại, không bao giờ… 

Lý Bá thở dài:

- Thầy tưởng chỉ có thầy yêu khoa thôi à ? Tôi và rất nhiều anh em cũng yêu khoa lắm chứ. Nhưng hôm nay, ông Đốp đến ngồi đây suốt từ 9 giờ sáng đến mãi đầu giờ chiều.

Giọng của Phú Ty lại vút cao lên:

- Ông ta đến làm gì? Vận động hành lang ? 

Lý Bá bực bõ:

- Còn hơn thế. Gần như thúc ép tôi ấy chứ.

Im lặng một lát, giọng Phú Ty thỉ thỏn:

- Ông không nghe mấy vị  lớn tuổi nói, đó là chuyên gia “quân ta bắn nhầm quân mình sao?”. Ông đã quên vụ Trần Văn Đốp cùng giáo sư Lý Quang Trọng đấu với giáo sư Lê Nguyên Đắc ?

Lý Bá cao giọng:

- Tôi quên sao được. Sau vụ đó, giáo sư Lê Nguyên Đắc bỏ vào Nam.Nghe nói, “cụ” hận lắm.

Giọng trong ống nghe vang hơn. Phú Ty cố gắng thuyết phục:

- Dù thế nào anh cũng không được mắc lừa Trần Văn Đốp.

Lý Bá lấy ngón tay cái và ngón trỏ vuốt chóp mũi. Đó là thói quen của anh mỗi khi kết thúc một cuộc đối thoại. Anh nói:

- Lừa thì chẳng ai lừa được mình. Nhưng thầy nghĩ xem, hai ngành trong khoa chúng ta giống như một cặp vợ chồng. Không thể có cái này mà không có cái kia. Nhưng…ngừng một lát, Lý Bá nhấn vào từng âm tiết như muốn tỏ cho Phạm phú Ty biết rằng, anh gần như đã quyết định vấn đề - thằng chồng thì muốn giữ mà con vợ ngày nào nó cũng đòi ly dị. Thử hỏi, như vậy có nên tiếp tục cuộc hôn nhân bất hạnh ấy nữa hay không?

Lý Bá nói xong cười phá lên. Một tràng dài các âm thanh như được nguếch lên hết bằng dấu sắc nghe vừa chua chát vừa hài hước.

Phú Ty thở ra một hơi thật dài. Rồi anh nói:

- Vắng tôi, chẳng lẽ ở nhà có anh, Vũ Bá Thành, Đặng Nho, Trần Vinh…mà để khoa tan vỡ? Như thế các anh sẽ tội. Có tội với thế hệ sau và lịch sử!

Phú Ty nói với Lý Bá bằng một giọng hậm hực mà chưa bao giờ anh nói như thế. Tới âm tiết cuối cùng, Phú Ty cúp máy luôn làm cho Lý Bá hơi tưng hửng. Anh định quay số gọi lại, nhưng nghĩ thế nào anh lại thôi. 

Đặt lưng xuống giường, Lý Bá trở mình đi trở mình lại. Từ đó đến gần sáng anh không tài nào chợp được mắt. Biết là có cố cũng không tài nào ngủ được, anh liền chồm dậy, ra khỏi giường. Buổi sáng sớm, trời Hà Nội hơi lạnh, anh phải choàng thêm chiếc khăn bông to. Đã mấy tháng nay, Lý Bá phải sống trong cảnh đơn chiếc. Ít khi anh có một giấc ngủ ngon. Có những đêm bừng thức dậy, anh có cảm giác mình như một kẻ lãng du. Anh mơ hồ nhìn lên trần nhà. Ôi, đây không phải là nhà của mình. Quay sang bên cạnh, anh thấy chiếc giường anh nằm trống hoác trống hơ. Một cảm giác ớn lạnh chạy suốt sống lưng. Mới hôm nào, cái giường ấy còn ngập tràn hơi ấm của vợ, còn nồng nàn tiếng nói yêu thương. Ấy vậy mà, giờ đây, tất cả như đi vào một cõi nào xa lắc. Một tiếng nói xa xăm vọng lên trong anh. “ Nàng ơi, sao nàng nỡ bỏ ta và con cái mà ra đi. Dù có lỡ lầm, nàng cũng đừng làm như thế. Làm như thế, nàng chỉ giải thoát được nàng. Còn ta và các con. Vắng nàng, bọn ta cô đơn biết chừng nào. Ta đã định đưa tin lên vô tuyến truyền hình để tìm nàng, để nhắn nhủ, để gọi nàng về. Nhưng ta sợ rằng làm như thế sẽ ảnh hướng đến các con. Chúng còn non trẻ lắm. Chúng làm sao chịu đựng nổi những lời đàm tiếu cay độc của thiên hạ. Mẹ mi mất tích ư? Vì sao lại có chuyện như vậy??? Sẽ có hàng ngàn câu hỏi đặt ra cho các con khi chúng nó mới bắt đầu ở tuổi trưởng thành. Mà các con của chúng ta, chúng đẹp như thế, chúng ngoan như thế…lẽ nào chúng phải chịu đựng mọi sự phũ phàng!

Thế là ta đành nói dối, nói dối với tất cả mọi người rằng, chúng ta đã ly dị. Một cuộc ly dị bất ngờ mà cả hai không ai là người tính trước. Thà rằng như thế, các con sẽ cảm thấy đỡ chua xót hơn. Ở trên đời này, thiếu gì các đôi ly dị. Ly dị không phải là xấu. Ly dị là cuộc giải thoát để những lứa đôi tìm đến sự tự do tuyệt đối, để không ai bị ràng buộc và được sống với mọi sở thích riêng của mình.Ta nói thế là ta ngụy biện, là ta tìm cách tự an ủi mình. Vì rằng, nếu nàng thấy chán ta, không muốn sống với ta nữa thì ta chỉ bị một nhát cắt, một nỗi đau. Nỗi đau đó sau một thời gian cũng sẽ lên sẹo. Vết sẹo tuy xấu nhưng sẽ làm cho cơ thể liền da, không còn đau đớn. Đằng này, nàng bỏ đi không một lời từ biệt, ta và các con biết tìm nàng ở đâu? Cuộc sống thời nay đầy rẫy những cạm bẫy. Rồi cuộc đời nàng sẽ ra sao? Nàng để lại cho ta và các con một nỗi đau dai dẳng, không có thời gian, không biết chữa chạy. Nó rỉ máu, nó âm ỉ đeo bám suốt cuộc đời ta. Đành rằng ta phải chịu đựng để nuôi con cho đến khi chúng trưởng thành, nhưng lúc nào ta cũng phải sống trong tâm trạng thắc thỏm, nhức nhối. Ta như bị đày đọa về tinh thần”.

Có rất nhiều đêm Lý Bá ngồi một mình. Anh nhìn lên cái bóng của anh mờ ảo hiện lên trên bức tường nơi vách giường. Anh tự đối thoại với cái bóng của anh. Cái bóng ấy gầy guộc, mong manh như một cái dấu hỏi đổ xuống. Anh thở dài: “Cuộc đời với ta sao khốn nạn thế ? Sao chỉ toàn thấy nỗi cơ cực và đắng cay? Nửa đời đi lính. Nửa đời đổ vỡ, nát tan”. Nếu không vì các con, có lẽ Lý Bá đã tìm đến cái chết. Chết là hết. Là thanh thản. Là bỏ lại mọi thứ khổ đau nơi trần thế. Là vô vi với tất cả. Là đến với một thế giới mới trong sạch, tinh khiết, nơi mọi bụi trần được rửa sạch… Nhưng anh không thể chết được.Anh còn hai đứa con. Chúng rất đẹp. Tâm hồn chúng như tờ giấy trắng. Anh phải giúp chúng đứng vững, tồn tại, phát triển. Chúng thông minh và rất tài hoa.

Cuộc đấu tranh vật lộn với chình mình làm cho Lý Bá già nhanh như mướp cuối vụ. hai má anh tóp đi, hằn thêm mấy vết nhăn sâu hoắm. Đôi lưỡng quyền trên má nhô cao. Vầng trán mở rộng như hình bản đồ đường lưỡi bò. Mái tóc xoăn xoăn mới hôm nào còn dày dặn, nay đi sơ tán hết, Lý Bá gần giống như một ông già.

Cuộc sống gia đình chẳng may gặp cơn tai biến làm cho Lý Bá gần như suy sụp. Nếu anh không trải qua đời lính, ắt khó vượt qua được cơn bão tố cực sốc ấy. Nhưng dù cố vượt qua, tâm hồn anh không khỏi bị u ám, thân xác anh không khỏi bị tiều tụy. Đã thế, cái việc tách khoa lại luôn là nỗi ám ảnh làm anh lúc nào cũng bứt rứt. Rõ ràng, anh vẫn tỉnh táo để nhận ra rằng, việc đòi chia tách khoa là chuyện vớ vẩn, phi khoa học. Anh đã bụng bảo dạ, dù thế nào cũng phải kiên quyết. Với cương vị là chủ nhiệm khoa, anh kiên quyết không ủng hộ việc tách khoa thì trường cũng phải bó tay.

Thế nhưng câu chuyện sáng nay làm cho Lý Bá quá cay cú. Trần Văn Đốp nói bóng gió như thế có khác nào bảo cả khoa này sống nhờ vào  bộ môn của anh ta. Không biết ngoài anh ta ra còn có ai trong bộ môn cũng nghĩ như thế? Vũ Bá Thành thì không rồi. Phan Quý Đỗ cũng không bao giờ có ý nghĩ như thế. Vậy là ai? Nguyễn Thiện Dũ, Trần Chí Phát ??? Họ nghĩ như thế nào nhỉ?

Sư cay cú làm cho lý Bá đột ngột thay đổi ý định.” Bay đã thích thì ông chiều. Xem chúng ông có chết đói như chúng mày nghĩ hay không?”. Lý Bá lẩm bẩm thốt lên. 

Anh định viết tiếp cuốn “Giao lưu văn hóa” nhưng không hiểu thế nào anh lại đưa tay với lấy cuốn sổ nhật ký trên đỉnh giá sách, hạ bút ghi:

“ Ngày…tháng…năm 19…Trần Văn Đốp đến chơi. Không! Không phải đến chơi vì nghỉ có chơi với ai bao giờ ngoài sư phụ của nghỉ. Nghỉ đến để vận động hành lang. Không, hôm nay không phải là vận động mà là một sự khiêu khích bóng bảy!

Mình ở thế cưỡi trên lưng cọp mất rồi. Nếu không đồng ý cho họ tách khoa, mình và các thầy của mình sẽ mang tiếng là ăn bám. Không biết các cán bộ của bộ môn bên ấy có nghĩ như Trần Văn Đốp không? Nếu họ nghĩ như vậy thì chua chat quá. Nhưng mình đồng ý cho tách khoa thì mình sẽ bị Phạm Phú Ty nó chửi. Chửi mình không sợ. nhưng mình mắc món nợ với lịch sử, mắc nợ với thế hệ sau. Giờ đây sẽ khó mà đào tạo được nhân tài thực sự cho đất nước. Tách thành hai khoa, sự đào tạo sẽ què quặt. Chắc chắn là sinh viên sẽ bị hẫng hụt nhiều về kiến thức. Văn chương không còn ngữ ngôn sẽ sáo rỗng, vô vị. Ngữ ngôn không có văn chương sẽ vô hồn. Liên thông ư? Đó chỉ là con bài để thực hiện bằng được cơn khao khát điên rồ của ý chí. Khi tách khoa rồi, mỗi đơn vị đều sẽ tách ra thành một bản thể độc lập. Khi đó cái khoa sang trọng ngày xưa không còn là một cơ thể hoàn chỉnh. Nó thực sự là hai gã què. Hai gã què đi bên nhau vẫn không bao giờ là con người hoàn chỉnh.

Cho dù vẫn tuyển sinh, vẫn đào tạo, nhưng chắc chắn đến một ngày nào đó, thiên hạ sẽ nhận ra. Sẽ không còn mấy ai đăng ký vào hai cái ngành bị què quặt này nữa. Nhưng  bọn họ có cần gì đâu. Cái họ cần là cái ghế. Vì cái ghế họ đã quyết tâm đẩy cả thế hệ trẻ vào những tấn bi kịch. Sinh viên ra trường sẽ thất nghiệp. Họ học chỉ cốt để có cái bằng, mà cái bằng đó chẳng làm gì cho xã hội và cho chính họ nữa”.

Lý Bá viết xong đoạn nhật ký, trời đã là mờ sáng. Từ ngoài phố vang lên những tiếng rao vặt xen lẫn tiếng lịch kịch mở cửa của cửa hàng bán bánh cuốn. Một ngày mới bắt đầu với những âm thanh náo nhiệt của cảnh làm ăn buôn bán nơi đô thị. Tiếng gọi hàng ơi ới. Tiếng quát tháo om sòm. Văng vẳng từ một vài nhà đại gia, tiếng chó béc tru lên những tiếng ông ổng.

Lý Bá làm một vài động tác thể dục cho đỡ mỏi, sau đó đánh thức hai anh em Ngô Lý Bình và Ngô Thúy Nga dậy. Từ mấy hôm nay, chị gái Lý Bá cùng hai đứa trẻ đã bay sang châu Âu thăm chồng, bố con Lý Bá phải tự túc chợ búa, cơm nước. Ngô Lý Bình đã học lớp 6 nhưng rất lóng ngóng, chưa biết nấu ăn. Mọi việc nấu nướng đều dồn cho cô chị gái là Thúy Nga. Đã mười  lăm tuổi nhưng Thúy Nga nhỏ như đứa mười hai. Duy chỉ có nét mặt là có vẻ người lớn. Đã thành thói quen, sáng nào Nga cũng đi chợ mua thức ăn về chuẩn bị cho bố bữa trưa rồi mới cùng anh tới trường. Lý Bá rất thương con, muốn đưa chúng đi học bằng xe máy. Nhưng hai đứa trẻ thương bố, không muốn bố vất vả nên hàng ngày vẫn đèo nhau đi bằng xe đạp. 

Ba bố con Lý Bá ăn sáng bằng mỳ tôm. Lý Bá định lấy hai quả trứng đập vào bát cho hai đứa thì Thúy Nga ngăn lại. Nó bảo:

- Chúng con ăn mỳ suông thôi.

 Lý Bình đứng cạnh, bỗng nó giằng lấy một quả trứng định đập vào bát của Lý Bá, nhưng Lý Bá không chịu. Hai bố con giằng nhau, không may chiếc tô đựng mỳ rơi xuống sàn đánh choang một cái. Lý Bá đưng ngây người ra, trong khi  Lý Bình òa khóc nức nở. Lý Bá dỗ dành:

- Không sao đâu con. Con ăn đi rồi cùng  chị đi học kẻo muộn.

 Lý Bình phụng phịu:

- Tại bố ấy.

Lý Bá ôm Lý Bình  vào lòng, an ủi:

- Đúng rồi, tại bố. Bây giờ con nghe bố, con ăn sáng đi. Cứ để đấy, bố dọn.

 Thúy Nga từ nãy vẫn đứng yên, giờ mới lên tiếng:

- Bố không chịu ăn, lúc nào cũng nhường chúng con. Bố mà ốm thì ai nuôi chúng con học tiếp cho được?

 Câu nói của  Thúy Nga làm cho Lý Bá như sực tỉnh. Anh không nghĩ là con gái anh lại có ý nghĩ già dặn như thế. Câu nói của nó làm anh bất giác thấy nhói lòng. Anh cố lấy vẻ mặt bình thản:

- Bố có nhường các con đâu. Các con học hành quá vất vả.

 Thúy Nga không chịu. Nó nói:

- Chúng con còn trẻ, vất vả một tý cũng chẳng sao. Nhưng bố già rồi. Bố gục xuống lúc này, liệu chúng con có còn tiếp tục được sự học hành nữa hay không?

Lý Bá bặm môi. Anh cố ghìm lòng cho khỏi rơi nước mắt. Chóp mũi anh lại đỏ ửng lên. Anh tếu táo:

- Thôi bây giờ thế này. Các con ăn đi. Lát nữa bố ra phố ăn phở. Nào, nhanh lên, muộn rồi.

Cái Nga nhìn em, rồi lại quay sang nhìn bố. Nó bảo:

- Bố phải hứa danh dự với chúng con. Bố không được nhịn đấy.

Lý Bá giơ hai tay:

- Bố hứa. Các con ăn đi.

Hai chị em Thúy Nga  lúc đó mới chịu sáng. Ăn xong, chúng vội vã dắt chiếc xe đạp cũ ra khỏi nhà. Trước khi đi, cái Nga không quên nhắc lại:

- Bố phải đi ăn phở như đã hứa với chúng con đấy.

Lý Bá cố nở một nụ cười gượng gạo:

- Bố nhớ rồi.

Lý Bá khóa cổng, chưa kịp quay trở vào thì thấy Trần Văn Đốp xuất hiện. Anh ngạc nhiên, hỏi:

- Thầy lại đến tôi ư ?

Đốp tắt máy xe, ôn tồn:

- Tôi phải làm phiền ông một tý đây.

Lý Bá nheo mắt như chưa biết có chuyện gì. Anh mở khóa cổng, rồi khoát tay:

- Rước thầy vào nhà.

Đốp do dự giây lát rồi bảo:

- Thôi khỏi vào, đứng đây cũng được kẻo quấy quả ông nhiều quá.

Lý Bá dài giọng:

- Có gì đâu à! Thầy cứ dạy thế.

Đốp nắm lấy cánh tay Lý Bá lắc lắc:

- Suốt đêm qua tôi không ngủ được. Hôm nay tôi phải đến xin lỗi ông.

Mặt Lý Bá ngẩn ra. Trán anh hơi cau lại. Đốp thong thả:

- Hôm qua tôi sơ ý, trót nhắc tới cái trung tâm làm cho ông hiểu lầm. Ý tôi là, nếu ta quyết định tách khoa thì hẳn là chúng ta đều phải gặp khó khăn ban đầu, chứ không hề có ý gì khác cả.

Lý Bá nở nụ cười méo mó:

- Thầy cẩn thận quá. Tôi chẳng nghĩ gì đâu.

Đốp cầm tay Lý Bá lắc mạnh hơn:

- Ông bỏ qua cho như thế là rất quí. Quí lắm.

Powered by Froala Editor