Viện phương đông

3 năm trước

Tiểu thuyết "Quái nhân" , Nxb Hội Nhà văn - Hữu Đạt

(3) Sau mấy chục năm đứng trên bục giảng, đây là buổi học Đỗ cảm thấy vô vị nhất. Một nỗi buồn nao nao cứ dâng lên trong cảm xúc của anh. Có lẽ nào đây là một trong các giờ giảng cuối cùng của anh tại khoa Văn Chương? Thật là tiếc, nếu một cái khoa anh gắn bó với nó từ lúc mới vào trường bây giờ đang có nguy cơ bị xóa sổ. Ý nghĩ đó cứ trở đi trở lại trong Đỗ khiến anh có cảm giác như sắp đánh mất một cái gì thật quí giá, thật thiêng liêng. 

 

Powered by Froala Editor

* (3)

 

Đang trong giấc ngủ say, bỗng Phan Quý Đỗ thấy nghẹt thở. Hơi thở của anh mỗi lúc một nén lại. Anh có cảm giác mình đang rơi xuống một vực sâu. Tất cả tối om om, mông lung và vô định.Tai Đỗ ù đi. Người anh trôi trên một khoảng mây mù dày đặc. Khoảng mây mù đó hóa thành sương trắng lạnh. Rồi thành nước. Đỗ thấy mình bị cuốn đi phăng phăng. Giữa cơn sóng mênh mông, Đỗ chồm lên quẫy đạp. Sóng dâng lên, hạ xuống. Con sóng xô đẩy như muốn xé Đỗ ra. Đỗ ngụp lặn, ngụp lặn trong cái bồng bềnh. Rồi nước ùa vào tai. Vào họng. Đỗ nghẹt thở quá. Anh hét lên:

- Cứu tôi với, cứu tôi với…

Tay Đỗ nắm chặt lấy một khúc gỗ. Mười móng tay Đỗ bíu chặt, như cắm ngập vào khúc gỗ kia. Một âm thanh chói tai vang lên:

- Ái đau quá!

Đỗ mở mắt, thở phào. Anh đã thoát ra khỏi cơn mơ. Giọng người vợ trách móc:

- Ngủ mà cứ cấu véo người ta, đau chết đi được.

Đỗ cười hề:

- Em gác chân lên cổ anh. Thảo nào, nghẹt thở đến muốn chết.

Vừa nói Đỗ vừa vuốt dọc cái bắp thịt ngồn ngộn đặt ngang qua cổ mình và rê nó lui xuống phía bụng. Vợ anh càu nhàu:

- Nhìn lại xem. Đây mà là chân à?

Đỗ cười sằng sặc:

- Chết thật. Anh xin lỗi. Anh cứ tưởng…

Vợ Đỗ véo mũi Đỗ một cái rồi vít đầu Đỗ xuống phía dưới cổ mình:

- Này thì tưởng này…

Đỗ lọt thỏm giữa cái lớn lao mềm mại. Anh hít hít cái mùi thơm tỏa ra ngay trước mũi anh, rồi đưa tay choàng qua người vợ. Đỗ cười khinh khích:

- Không ai ở đời có thể hiểu “cái mênh mông” bằng anh.

Vợ Đỗ lại véo thêm một cái vào mũi Đỗ, rồi mắng yêu:

- Nói đến nghĩa vụ thì lỉnh như chuột, chỉ giỏi cái tán róc. Có hứng không thì bảo…

Đỗ líu ríu:

- Cho anh xin. Sáng mai anh phải dạy 5 tiết

Đùa nhau một lúc, hai vợ chồng trở lại nói chuyện nghiêm chỉnh. Vợ Đỗ hỏi:

- Chuyện của khoa anh đến đâu rồi ? Liệu có tách hay không?

Đỗ buồn rầu:

- Tách hay không thì với anh vẫn thế. Vẫn là đi dạy, đọc sách. Chỉ có điều, tách ra rồi, không biết nay mai việc đào tạo thế hệ sau sẽ ra sao?

Vợ Đỗ bình luận:

- Anh nói là với anh vẫn thế, nhưng từ hôm xảy ra cái việc bàn về chia tách khoa, em thấy anh buồn hẳn.

Đỗ thừa nhận:

- Quả là anh có buồn. Nhiều cán bộ trong khoa cũng rất buồn. Ai cũng cảm thấy mình như sắp mất đi một cái gì đó rất thân yêu, quí giá.

Vợ Đỗ cự nự:

- Các anh cảm thấy luyến tiếc thì đừng phá đi có được không?

Đỗ thở dài:

- Từ ngày thành lập trường Đại học Tây Thành Đô đến nay, khoa Văn Chương của bọn anh phải đứng trước một sự lựa chọn có tính sống còn. Tách hay không tách ? Đó là một câu hỏi rất khắc nghiệt. Một số người thì sùng sục đòi tách ngay. Một số khác thì phản đối, cho đó là một việc làm cứng nhắc và rất phản khoa học.

Vợ Đỗ an ủi:

- Em hiểu. Khoa anh không giống như khoa Sử chúng em. Khi thành lập trường mới, khoa em có thể tách ra thành hai, ba đơn vị. Nhưng khoa anh là khoa Văn Chương, nó có đặc thù riêng.

Đỗ gếch đầu lên bụng vợ, chép miệng:

- Em là dân sử mà còn biết nghĩ như thế, huống hồ là người của khoa anh. Buồn quá đi, vì lợi ích cục bộ, họ sẵn sàng phá tan tất cả.

Hai vợ chồng Đỗ lại rì rầm bàn luận tới sáng. Khi tiếng chuống đồng hồ điểm ngân nga, Đỗ bảo vợ:

- Hôm nay em đưa con đi học hộ anh. Anh phải dạy từ tiết đầu, sợ không kịp.

Vợ Đỗ gật đầu:

- Anh cứ yên tâm. Em đưa con qua trường rồi đến cơ quan cũng được.

Vợ Đỗ nói và nhanh nhẹn vùng dậy đi vào bếp. Đỗ đánh răng rửa mặt rồi ăn quàng bát cơm rang vợ vừa kịp rang, sau đó anh dắt xe ra khỏi nhà.

Mới đầu giờ sáng mà ngã tư Ô chợ dừa đã đông như mắc cửi. Người, xe chen lấn, chạy như ăn cướp mỗi khi đèn đỏ vừa tắt xong. Vất vả lắm, Đỗ mới tới được cổng trường Tây Thành Đô. Anh gửi xe và vội vàng đi về phía giảng đường.

- Ông Đỗ này…

Bỗng Đỗ giật mình nghe tiếng gọi. Anh quay lại thì Trần Văn Đốp đã tiến sát gần anh. Giọng Đốp thong thả:

- Làm gì mà vội thế? Còn hơn mười phút nữa mới đến giờ kia mà.

Đỗ bèn dừng chân. Anh chờ cho Đốp đến kịp rồi hai người cùng bước đi  chậm rãi dưới sân trường. Đốp gợi chuyện:

- Ông dạo này dạy nhiều quá thì phải. Tuần nào tôi cũng thấy ông ở cả tuần trong này.

Đỗ biết rõ, Đốp nói như vậy chủ yếu để “vào chuyện” cho “có đầu có tai” chứ Đốp thừa biết là một tuần Đỗ phải dạy bao nhiêu buổi rồi. Để cho Đốp khỏi ngượng ngùng, Đỗ nói vui:

- Vâng đói quá, phải đi cày lấy tiền nuôi vợ thôi ạ.

Đốp khéo léo:

- Khó khăn chỉ là tạm thời thôi, nay mai…

Đốp không nói thêm chữ “tách khoa” mà bỏ lửng ở đó, chờ xem phản ứng của Đỗ. Không biết Đỗ có hiểu ý Đốp hay không, nhưng Đỗ chép miệng:

- Nay mai…còn lâu lắm.

Đốp cũng nói một câu chung chiêng:

- Lâu hay chóng là do chúng ta. Tôi, ông và…mọi người đều phải cố gắng.

Đỗ cười cười:

- Thì hàng ngày em vẫn cố gắng đấy chứ.

Đốp nhìn thẳng vào Đỗ:

- Là tôi muốn nói chuyện khác.

Đỗ vờ như không hiểu:

- Thầy muốn nói chuyện gì kia?

Đốp không ngần ngại, nói luôn:

- Chuyện bộ môn chúng ta. Nó có thể thành một khoa hay không còn phụ thuộc vào sự tích cực của tất cả mọi người.

Đỗ trầm tư:

- Bộ môn đã họp và đã có biên bản. Về cơ bản đã nhất trí rồi mà.

Đốp nhìn xa xôi:

- Nhưng còn một cuộc họp khoa nữa. Cuộc họp cuối cùng này mới là quan trọng.

Đốp nói xong nhìn Đỗ thăm dò. Đỗ không bộc lộ thái độ gì rõ rệt. Đốp gạ gẫm:

- Nay mai thành khoa rồi, tôi làm chủ nhiệm, nếu ông làm phó cho tôi thì hay biết mấy.

Đốp nói xong thì cũng là lúc tiếng chuông báo vào lớp vang lên. Đỗ như vừa thoát được một gánh nặng liền nói lảng:

- Chúng ta bị chậm mất vài phút.

Đốp nói:

- Làm thầy chậm vài phút cũng chẳng sao. Miễn là đừng quá 10 phút.

Hai người cùng bước vào phòng chờ của giáo viên. Ở đó chỉ còn hai cô giáo đang ký nhận vào cuốn sổ mượn đồ. Đốp nhường cho Đỗ mượn mic trước. Sau đó, anh đăng ký mượn máy chiếu và vội vã bê lên phòng học ở tầng 3. Vừa thấy anh, đám sinh viên đã reo lên:

- Thầy hôm nay đến muộn rồi nhé.

Đỗ đặt máy lên bàn rồi nhẹ nhàng:

- Tôi xin lỗi các em. Giờ học hôm nay chúng ta không giải lao nữa.

Đốp nói xong liền bật máy. Màn hình sáng lên. Đỗ nói dõng dạc:

- Hôm nay chúng ta học bài mới: Miêu tả dòng ngữ lưu…

Đỗ chưa nói xong thì một nữ sinh viên đứng lên:

- Thưa thầy, em nghe nói khoa mình sắp tách đôi phải không ạ?

Đỗ lúng túng:

- Ờ..ờ, các thầy cũng đang bàn. Đó là ý kiến của trên.

Cô nữ sinh liền hỏi:

- Thầy ơi, em sợ tách khoa thì tốt nghiệp sẽ chẳng có nơi nào nhận chúng em đâu. Ngoài xã hội chẳng ai biết ngành học của chúng ta là ngành gì cả.

- Tôi cũng biết thế.

- Vậy các thầy phải đấu tranh chứ ạ. Khoa chúng ta đang đào tạo yên ổn như vậy cần gì phải tách ra?

Đỗ nhún vai:

- Thì theo xu hướng phát triển chung mà. Khoa Sử, khoa Triết…đều phát triển thêm hai, ba khoa mới.

Cô nữ sinh gần như rên lên:

- Thầy ơi, chết là ở chỗ ấy ạ. Người Việt Nam mình có một thói quen là, thấy thiên hạ làm gì mình cũng phải làm theo. Không làm thì dường như không chịu được.

          Đỗ tỏ ra ngỡ ngàng trước nhận xét của cô nữ sinh. Trong lớp Đỗ dạy, đây là cô bé hiếu động nhất, được bạn bè cùng lớp phong cho cái tên là “Dung láu”. Đỗ hỏi:

          - Các em không muốn tách khoa sao?

          Dung láu bĩu môi:

          - Không. Chúng em chẳng thích tách với nhập gì cả. Tách ra chỉ khổ chúng em thôi.

          Đỗ mỉm cười:

          - Có tách ra thì ngành ta mới có cơ hội để phát triển.

Dung láu không chịu:

          - Các thầy thì thường hay ngụy biện. Đã có khả năng phát triển thì dù tách hay không vẫn thế thôi. 

          Đỗ cảm thấy lúng túng. Anh lắc đầu:

          - Thôi, việc đó là của các thầy, các em bàn làm gì. Việc của các em là cố gắng học cho thật tốt.

          Dung láu nhún vai, biểu thị thái độ không đồng tình. Cô nói:

          - Em nghĩ rằng chuyện đó cũng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của chúng em.           Trong thâm tâm, Đỗ phải thừa nhận là Dung nói đúng. Nhưng nếu tiếp tục luận bàn về việc đó thì ảnh hưởng đến giờ học. Anh đành ôn tồn:

          - Chuyện của trường, của khoa sẽ có người khác lo. Thầy trò mình phải tập trung vào chuyên môn.

          Nói xong, Đỗ liền chuyển vào nội dung của phần bài giảng. Anh nói thao thao một lúc, nhưng cũng không ý thức được mình đang nói gì. Trong tâm trí anh, vơ vẩn những ý nghĩ mông lung. Lời đề nghị của Đốp. Những câu nói phản biện của sinh viên…tất cả đang quay cuồng như một vòng xoáy.

          Phía dưới, sinh viên dường như cũng không mấy ai chú ý nghe anh giảng. Chúng chụm đầu vào nhau, thì thầm bàn tán. Thỉnh thoảng lại có vài đứa lắc đầu, thở dài thườn thượt.

          Giờ giải lao, Đỗ không xuồng phong chờ. Anh ngồi luôn tại lớp. Sau mấy chục năm đứng trên bục giảng, đây là buổi học Đỗ cảm thấy vô vị nhất. Một nỗi buồn nao nao cứ dâng lên trong cảm xúc của anh. Có lẽ nào đây là một trong các giờ giảng cuối cùng của anh tại khoa Văn Chương? Thật là tiếc, nếu một cái khoa anh gắn bó với nó từ lúc mới vào trường bây giờ đang có nguy cơ bị xóa sổ. Ý nghĩ đó cứ trở đi trở lại trong Đỗ khiến anh có cảm giác như sắp đánh mất một cái gì thật quí giá, thật thiêng liêng. 

 

*

 

Đốp ngồi ở phòng chờ như có ý đợi Đỗ. Nhưng mãi mà không thấy Đỗ đâu. Khi tiếng chuông báo hết giờ nghỉ, Đốp đành trở về lớp. Lúc đó, sinh viên còn đang đứng rải rác ở hành lang. Đốp nói:

- Vào lớp thôi các em.

Mấy cô gái đang đứng túm tụm ăn hạt dưa liền đề nghị:

- Nghỉ thêm mấy phút nữa thầy ơi.

Đốp nhẹ nhàng:

- Các em muốn nghỉ thêm mấy phút nữa cũng được nhưng phải vào lớp. Đứng đây sẽ ảnh hưởng đến người khác.

Đám sinh viên lục tục rời khỏi hành lang. Họ bước vào lớp với tâm trạng uể oải giữa lúc ở phía trong có một vài sinh viên khác đang gục mặt xuống bàn tranh thủ đánh một giấc “tắc bụp”. Đó là cụm từ được sinh viên dung để chỉ kiểu ngủ chớp nhoáng vào lúc giải lao giữa giờ nhằm phân biệt nó với kiểu “ngủ nướng” kéo dài cả ngày vào chủ nhật hay ngày lễ.

Thấy không khí của lớp sinh viên có vẻ mệt mỏi, Đốp vỗ tay ra hiệu cho mấy sinh viên đang ngủ thức dậy rồi động viên:

- Nào, dậy đi các em. Học lúc nữa rồi tôi sẽ cho nghỉ sớm.

Mấy cô ai ngừng ăn hạt dưa, đập vào vai hai cậu sinh viên đang ngủ. Hai cậu chàng choàng tỉnh, ngơ ngác như đang trên mặt trăng, giơ tay che miệng ngáp một cái thật dài. Từ trên bục giảng, giọng Đốp nhẹ nhàng vang lên:

- Tương lai của các em đang rực rỡ lắm.

Cậu sinh viên có mái tóc dài che kín tai, tên là Mạnh, quay sang hỏi bạn:

- Ông ấy vừa nói cái gì thế mày?

Có vẻ còn chưa dứt cơn buồn ngủ, người bạn nhún vai:

- Ông ấy nói, tương lai chúng ta đang rực cháy.

Mạnh làu bàu:

- Điên à?

Nếu lúc đó Đốp không kịp thời nhắc nhở, có lẽ mạnh còn to tiếng với Kha. Nhưng câu nói của Đốp làm cho cả hai sinh viên đều hướng sự chú ý về phía trước. Đốp đang trong cơn cao hứng liền thao thao:

- Các em sẽ có vinh dự là sinh viên khóa một của khoa mới.

Nghe Đốp nói đến đấy, Kha ngạc nhiên:

- Sao lại thế nhỉ?

Mạnh tỏ ra thạo tin, mặt vênh lên kiêu hảnh:

- Mày ếch thế. Khoa mình sắp tiêu rồi. Ngành mình sẽ phát triển thành khoa mới.

Kha cau trán:

- Chán thế!  Chẳng lẽ người ta định xóa sổ khoa này thật à?

Mạnh lau láu:

- Dĩ nhiên, nếu như việc tách khoa thành hiện thực. Nghe nói, các thầy đang còn tranh cãi găng lắm.

Lúc này, Kha như đã tỉnh hẳn, liền văng tục:

- Tách làm đ… gì. Rồi bọn mình ra trường sẽ chẳng có cơ quan nào họ nhận đâu.

Cuộc tranh luận giữa Mạnh và Kha đang sôi nổi thì từ phía bục giảng, giọng Trần Văn Đốp lại vang lên:

- Bây giờ chúng ta  chuyển sang bài học mới. 

Cả lớp hướng về phía bảng. Màn hình hiện lên những hình vẽ và các mũi tên, sơ đồ, biểu bảng. Đốp dùng con chuột cầm tay bấm nút. Một chấm ánh sáng màu hồng nhỏ như hạt đỗ di động qua các sơ đồ.

Một nữ sinh thì thào vào tai Dung láu:

- Ông này chỉ giỏi ở những vẽ vời, chứ nói năng thì nhạt hoét.

Dung láu đồng tình:

- Ờ, giọng ông ấy sao vô cảm thế nhỉ.

Cô bạn cười khẩy:

- Thế mà lúc đăng ký ngành nghề, mày cứ khen ông ta.

Không biết ở phía trên Đốp có nghe tiếng không, nhưng anh quay xuống nhìn thẳng vào hai cô bé. Dung so vai lại, suỵt một cái, rồi ưỡn thẳng lưng, tỏ ra chăm chú theo dõi bài giảng. Đốp gật gù:

- Ý này quan trọng lắm…

 Dung láu tủm tỉm:

- Lại một ý quan trọng. 

Cô bạn nguýt dài:

- Chẳng bù cho năm đầu tiên, mày cứ háo hức đăng ký ngành này để được học ông ta.

Dung thừa nhận:

- Ừ, dạo ấy tao như con điên ấy mày ạ. Thấy ổng đẹp trai là thích. Ngày nào cũng mong sớm đến giờ của ổng để được nghe ổng nói.

Đốp lại bất ngờ nhìn xuống. Hai cô học trò lại đuỗn lưng, mắt chăm chăm nhìn lên bảng. Mất điện. Màn ánh sáng phụt tắt. Cả lớp reo lên:

- Mất điện, thầy cho nghỉ đi ạ.

Đốp ngồi xuống chiếc ghế và ngả lưng ra, rồi bảo:

- Các em nghỉ một chút, chờ xem đã.

Phía dưới nổi lên tiếng nói chuyền lào rào. Dung và cô bạn tiếp tục câu chuyện đang dở. Dung nói:

- Tao thấy hối hận vì theo ngành này.

Cô bạn gật đầu:

- Có phải chỉ riêng mày đâu. Lắm lúc tao nghĩ, tương lai mờ mịt quá. 

Dung láu bỗng chuyển đề tài:

- Ờ sao ông thầy mình lại tên là “Đốp” nhỉ.

Cô nữ sinh hồn nhiên:

- Mỗi lần nhắc tên ông ấy, tao lại hay nghĩ tới cái giọng veo véo của mẹ Đốp trong vở chèo “Quan âm Thị kính” vào đêm Hội diễn sân khấu toàn huyện tổ chức ở xã tao: “Đứa nào đốp đốp chát chát gì ngoài ẩy nhỉ?”. Rồi ông xã trưởng cầm cái roi dứ dứ vào mặt mụ, vểnh cái ria mép lên: “ Này, con mụ kia sao mày hỗn láo thế hả? Thế nghĩa là tất cả chúng mày muốn gọi ông là “thằng” à?

Dung láu tỏ ra hứng chí, bình luận:

- Mày có vẻ thích chèo ghê nhỉ ?

Cô bạn gật đầu:

- Tao quê gốc làng chèo mà lỵ. Mày biết không…Tao nói đến đâu rồi? À, chỗ mẹ Đốp đối thoại với xã trưởng. Mụ nói: “Ấy chết, thưa ông xã. Ông danh giá lắm. Ông là chức sắc tiêu biểu của làng xã. Có ai dám nhờn đâu ạ. Người ông đủ các chức, các danh như thế, oai phong lắm, lẫm liệt lắm.

Cô bạn nổi hứng, quên mất là đang trong giờ học liền vung chân múa tay khiến cho Đốp ngỡ ngàng nhìn xuống. Dung láu liếc bạn tủm tỉm:

- Thầy đang nhìn mày kìa, Ly.

Ly bừng tỉnh, xấu hổ cúi mặt xuống. Mặt cô ửng lên, nom càng xinh.

Có vẻ như phát hiện ra sự ngượng nghịu của Ly, Đốp quay mặt ra phía cửa. Phía cuối tòa nhà, một vài lớp đang đổ ra ngoài hành lang. Tiếng nói cười vọng lại.

Dung réo rởn:

- Thầy ơi, cho nghỉ thôi. Các lớp khác họ nghỉ cả rồi.

Dung chưa dứt lời, tiếng vỗ tay và đập bàn ầm lên. Đốp giơ tay ngăn lại:

- Thôi được rồi. Thầy cho nghỉ, nhưng các em phải im lặng ra về. Làm ầm lên là thanh tra họ ghi vào sổ đấy.

Sinh viên lục tục bước ra. Đốp thu xếp máy móc và đem về phòng chờ. Ở đó cũng có mấy giáo viên vừa trả míc và máy chiếu xong. Một giáo viên môn Lịch sử Đảng bình luận:

- Môn của các bác thì còn cần đến máy chiếu chứ môn của em mà dùng máy thì chiếu cả ngày.

Đốp tán đồng:

- Môn của ông không “đọc chép” là may.

Đốp nói xong liền đến cạnh vòi nước rửa tay. Sau đó anh vội vàng xuống gác và đi ra nơi để xe. Lúc quay ra, Đốp lại gặp Đỗ. Anh niềm nở:

- Ông cũng cho nghỉ rồi à?

Đốp khịt khịt mũi, trả lời:

- Mất điện còn làm ăn gì được.

Đốp có ý nán lại đợi Đỗ, nhưng Đỗ ý nhị rẽ về phía tay phải:

- Vào phòng thường trực tào lao một lúc đã vậy.

Đốp đã dắt xe ra khỏi nơi gửi nên đành phải ngồi lên yên, nổ máy. Chừng gần hai mươi phút sau anh đã về đến nhà. Khi xe Đốp vừa dừng trước nhà thì một người tóc hoa dâm từ phía đầu hồi tòa nhà dắt chiếc xe đạp đã cũ  tiến lại:

- Em chào thầy ạ.

Đốp ngẩng lên và chợt giật mình.

- Chào ông.

Đốp mở khóa cửa và quay lại dắt xe.

 Người đàn ông có mái tóc hoa dâm liền vội tựa chiếc xe đạp của mình vào tường rồi đưa tay đỡ lấy tay lái chiếc xe máy trên tay Đốp và nói:

- Thầy để em dắt vào cho ạ.

- Thôi được, cứ để tôi - Đốp chủ động giữ tay lái và gồng mình đẩy chiếc xe qua bậu cửa.

Người đàn ông cẩn thận khóa xe đạp, sau đó bước theo Đốp, vừa đi vừa nói:

- Em đợi thầy hơn một tiếng rồi ạ.

Đốp nhăn nhó:

- Ông đến thì phải báo trước chứ.

- Nhà em chưa có điện thoại ạ.

Đốp sẵng giọng:

- Ông làm việc chẳng có qui củ gì cả. Tùy hứng theo kiểu nghệ sĩ. Hình như ông có làm thơ phải không?

- Dạ, thỉnh thoảng em có viết đôi bài.

Giọng người đàn ông khê khê, đặc chất Nghệ. Đốp ngồi xuống và trỏ cho người khách ngồi xuống phía đối diện. Anh nhận xét:

- Mười ông làm thơ thì chín ông lang bang.

Vị khách không dám nói gì chỉ hơi cúi xuống.Đốp hỏi:

- Hôm nay, ông cần gì nhỉ?

Người đàn ông ngơ ngác:

- Hôm trước thầy hẹn em.

Đốp không nhớ là mình đã có hẹn với chàng nghiên cứu sinh, nhưng nhờ có thói quen phản ứng nhanh với hoàn cảnh nên anh xuống giọng:

- Tôi hẹn gặp ông  buổi chiều kia mà.

Chàng nghiên cứu sinh tóc hoa dâm không dám cãi lại. Anh chỉ nghĩ trong bụng  “Ông là thầy thì cho mình có quyền nói xuôi, nói ngược thế nào cũng được ư? Rõ ràng ông hẹn tôi buổi sáng mà lại nói buổi chiều”. Nghĩ vậy mà không dám nói vậy, anh chàng liền cúi xuống, lí nhí:

- Thầy…thầy đã…

Anh ta nói chưa hết câu thì Đốp hất hàm:

- Phần viết tiếp của ông đâu rồi ?

Chàng nghiên cứu sinh ấp úng:

- Lần trước thầy nói với em, đợi thầy đọc và góp ý, rồi mới viết tiếp.

Lúc này Đốp mới sực nhớ ra. Anh lấy tay vỗ vỗ vào trán, rồi nhỏ nhẹ:

- Thế hả ? Ông đợi tôi một chút vậy nhé.

Đốp đi vào gian trong. Anh lục tìm gần hai chục phút nhưng không thấy bản của  Lê Hàm đâu, đành quay ra. Giọng ôn tồn, Đốp nói:

- Xin lỗi ông, mấy hôm nữa ông qua vậy. Từ hôm tôi chuyển nhà đến nay, sách vở cứ lung tung hết cả.

Lê Hàm nghĩ bụng “ Ông chuyển nhà đến  mấy tháng rồi, vẫn cứ lấy đó làm cái cớ để bào chữa cho mình. Nếu ông không đồng ý hướng dẫn tôi thì ông từ chối ngay từ đầu có hơn không? ”

Tự nhiên Lê Hàm thấy tủi thân. Anh so sánh mình với Trần Văn Đốp. Cùng là người sao ông ấy lại may mắn thế nhỉ? So về tuổi tác, hai người chỉ hơn kém nhau có một,, hai tuổi thôi. Vậy mà họ lại thuộc hai đẳng cấp khác hẳn. Một người là thầy, một người là trò. Ôi, giá như Lê Hàm không phải đi bộ đội nhỉ ? Chắc chắn anh cũng là phó tiến sĩ từ lâu rồi. Nếu không làm cán bộ giảng dạy như Đốp thì chí ít anh cũng làm chuyên viên ở một viện nghiên cứu nào đó. Tất cả chỉ tại chiến tranh. Một cuộc chiến tranh khốc liệt và dai dẳng đã làm cho anh và bao bạn bè phải ném cả tuổi thanh xuân vào đó. Khi cuộc chiến kết thúc, Lê Hàm trở về trường thì bao nhiêu người đồng lứa, thậm chí sau anh, đã thành thầy của mình. Mặc dù là một chàng trai hiếu học lại có chí, Lê Hàm không còn tuổi đi nghiên cứu sinh nước ngoài, anh đành phải thực hiện ước mơ của mình bằng việc theo đuổi lớp nghiên cứu sinh trong nước. Luận án của Lê Hàm được viết đúng vào lúc đất nước đang chuyển cơ chế mạnh. Anh gặp rất nhiều khó khăn về đời sống mưu sinh. Đã thế, người hướng dẫn anh lại chẳng mấy thông cảm. Anh luôn bị trách móc vô cớ, thậm chí chẳng được giúp đỡ theo mức bình thường. Nhiều lúc Lê Hàm không còn muộn gặp Đốp. Nhưng không gặp thì nay mai người thầy ấy sẽ nhận xét thế nào về anh ? Mà gặp thì…lần nào cũng vậy, Hàm thấy căng thẳng và mệt mỏi quá.

Tóc Hàm mỗi lúc một bạc thêm. So với Hàm, Đốp như trẻ hơn anh đến mấy tuổi. Tóc Đốp vẫn còn xanh, hai má hồng hào. Con người may mắn này trong chiến tranh chưa từng ngửi thấy mùi khói của bom đạn, còn Hàm thì lăn lộn đủ mọi trận mạc trên khắp chiến trường. Mặt anh lúc nào cũng như nám khói. Nếu một người không biết thì rất dễ nghĩ Đốp là học trò của anh chứ không phải anh là học trò của Đốp.

Hàm đang mải nghĩ thì Đốp động viên:

- Cứ yên tâm, thời gian còn dài ông ạ. Luận án là cứ phải làm cho thật kỹ.

Hàm không biết nói gì, chỉ nghĩ bụng : “Còn có vài tháng nữa mà ông gọi là dài ư? Suốt ba tháng nay, tôi đưa ông có một chương mà đến nay vẫn chưa lấy lại được. Còn chương cuối cùng nữa liệu tôi xoay sở thế nào?”

Hàm đứng dậy với tâm trạng mệt mỏi. Đốp tiễn Hàm ra tận phía cửa ngoài với vẻ tận tình. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày Hàm nhận thầy hướng dẫn, anh được Đốp dành cho một đặc ân như thế. Lúc chia tay, Hàm bắt tay người thầy chỉ ngang tuổi mình với một cử chỉ lễ phép. Anh không dám nói thẳng mà chỉ dám nói mơ hồ:

- Thầy cố gắng, sớm giúp em.

Đốp vui vẻ:

- Ông yên tâm, tôi đã đọc kỹ cho ông rồi. Mai kia ông quay lại lấy về, dựa theo những góp ý của tôi, rồi viết tiếp.

Đợi cho Hàm và chiếc xe đạp tàng tàng khuất vào đám đông, Đốp mới quay vào nhà. Vừa lúc đó có tiếng chuông điện thoại reo. Anh cầm lấy ống nghe, giọng sôi nổi hẳn lên:

- Vâng, em là Đốp đây ạ. Chắc là điện thoại đường dài nên tín hiệu không tốt đấy ạ. Thầy cứ nói tiếp đi, em nghe rõ rồi ạ.

Lúc này, Đốp đã như là một con người khác. Anh không còn cái vẻ mặt nhăn nhó lúc nãy. Giọng nói cũng nhũn nhặn hẳn đi. 

- Vâng vâng, em hiểu rồi. Em sẽ hết sức cố gắng. Em mong thầy, cô luôn giữ gìn sức khỏe…

Đặt máy xuống, Đốp vẫn còn bồi hồi cảm động. Có lẽ, trong suốt mấy chục năm rong ruổi học đường, không có người thầy nào làm cho Đốp cảm thấy thiêng và linh như giáo sư Lý Quang Trọng. Đối với anh, ông vừa là thầy, vừa là ân nhân, vừa là một đạo diễn thiên tài luôn linh ứng cho những ước mơ của anh. Bởi vì, ông đã sắp xếp việc gì là việc đó phải thành công. Cách đây mấy năm, nhờ ông mà anh lấy được cái Phó Giáo sư một cách ngon lành. Bây giờ ông đang nhắc nhở anh phải nhanh chóng làm cái giáo sư. “Khó mấy cũng phải làm…vì tương lai”. Chỉ ngần ấy từ thôi, Đốp cũng biết ông đang hy vọng ở Đốp điều gì. Cái mà ông mong mỏi, chính là sau khi tách khoa, Đốp phải giành lấy cái chức chủ nhiệm chứ không để ai khác. Chỉ có điều, lần này thì ông không có mặt ở nhà để phù phép nên mọi sự đều trở nên phức tạp hơn. Sau ngày giáo sư Trọng hưu nghỉ, giáo sư Nguyễn lên làm chủ tịch Hội đồng ngành. Giáo sư Trọng đã “có nhời” với ông và ông cũng lưu tâm đến việc phong giáo sư cho Đốp. Nhưng tiếc nỗi, vị Phó chủ tịch là giáo sư Lưu Văn Mộ lại phản ứng kịch liệt. Giáo sư Mộ nói: “Đốp ra trường tuy nhiều năm nhưng chỉ đam mê quản lý nên sách vở, công trình chẳng có gì. Có mỗi quyển sách lại là cái luận án Phó tiến sĩ được giáo sư Trọng phù phép mới đứng được. Phong giáo sư lúc này thì non quá ”. Hội đồng lần ấy bỏ phiếu, thiếu sự ủng hộ của giáo sư Lưu Văn Mộ, Đốp bị loại thẳng thừng. Giáo sư Mộ là người quân tử, chẳng bao giờ thèm ném đá sau lưng. Việc bàn bạc trong Hội đồng ra sao thì ra ngoài ông vẫn nói oang oang cho cả thiên hạ biết.

Tuy ở xa đất nước, nhưng giáo sư Trọng tỏ ra rất nhạy bén với tình hình. Ông đã kịp thời vạch ra cho Đốp con đường tiếp cận giáo sư Nguyễn. Lần này, dù thế nào Đốp cũng phải cố cho bằng được cái giáo sư. Không có cái đó, Đốp sẽ chỉ còn là đối thủ ngang hàng với Nguyễn Thiện Dũ. Trong trường hợp đó, nếu thành lập khoa mới, Đốp chắc gì đã thắng trong cuộc chạy đua vào ghế chủ nhiệm?

Cuộc nói chuyện điện thoại với giáo sư Trọng làm cho Đốp bỗng thấy lo lắng. Ngoài cái việc giành chức giáo sư cho kịp, Đốp còn một vấn đề nan giải. Câu chuyện về việc phân phối căn hộ thuộc tiêu chuẩn của anh em đi K vẫn còn là một dư âm trong trí nhớ mọi người. Nếu đúng vào lúc bầu bán, có người nêu ra chuyện này thì sao ? Câu hỏi đó làm cho Đốp tự nhiên thấy bất rứt. Bỗng dưng anh cảm thấy ngán ngẩm cái nơi mình đang ở. Lạ nhỉ! Một cái gì đó vừa mới hôm nào còn là hạnh phúc, là niềm mơ ước của ta, thế mà thoắt một cái nó bỗng nhiên lại là cái mà ta thấy chán ghét, xa lạ. Đời là thế, biết làm sao!

Sau phút suy nghĩ, Đốp tức tốc gọi điện ngay cho một người bạn. Anh nói:

- Tôi quyết định bán căn hộ của tôi cho ông đấy.

Đầu dây phía bên kia vang lên tiếng người đàn ông, giọng ồm ồm:

- Ông nói thật hay nói đùa?

- Lần này tôi nói thật.

- Nhưng chỗ ấy ở tốt thế, trung tâm, lại toàn trí thức cả. Sao ông lại bán?

- Chuyện tế nhị lắm. Chỉ cần biết là tôi cần bán gấp, thế thôi.

- Được rồi, đã thế để tôi nói với bà xã thu xếp tiền. Chỉ trong mươi ngày là sẽ giải quyết xong.

- Tôi chỉ muốn để lại cho ông vì vị trí chỗ này tốt lắm.Để cho người khác thì phí quá, mà ông lại đang cần nhà.

- Tôi hiểu. Cảm ơn ông rất nhiều. Tôi hứa sẽ không để ông thiệt.

 

 

*

Powered by Froala Editor